(Quocchien242) Sinh viên ra trường
không kiếm được việc làm, thứ nhất là do kén việc – muốn tìm công việc nào có
đãi ngộ hay môi trường đúng như mình kỳ vọng; thứ hai là do kiêu căng - ỷ vào
mình tốt nghiệp đại học hay ảo tưởng sức mạnh nên không muốn làm những công việc
“dưới sức”; thứ ba là do không biết khai thác thế mạnh nên chẳng đủ tự tin để
chinh phục Nhà tuyển dụng (NTD).
Trên
thực tế, học trò nói chung và sinh viên nói riêng, được cả xã hội quan tâm chăm
chút. Vì kỳ vọng đó là tương lai của đất nước, nên vô hình chúng ta lại quá bảo bọc các em. Rồi phần lớn các em lớn
lên, chỉ như những con mọt sách và gà công nghiệp. Chúng ta cứ nói rằng: “Tuổi
học trò hồn nhiên trong sáng, tình yêu thì thơ mộng, tình bạn thì vô tư”; rằng:
“cứ lo học cho tốt, sau này làm bác sỹ, giáo sư rồi bố mẹ được nhờ”… Để đến khi
mọi việc không như ý muốn, lại đổ lỗi cho “ngành Giáo dục” – đào tạo lý thuyết,
thiếu thực hành... Nếu quả muốn con thực
hành nhiều hơn, vậy sao không hướng cho các em vào các trường nghề, mà cứ nhất
quyết phải thi và đỗ đại học?
Tôi
thấy thương cho những gia đình, bố mẹ lao động vất vả, chắt bóp từng đồng để
con được đi học. Nhà nghèo thì con tự có ý thức đi làm thêm kiếm tiền sinh hoạt.
Nhà giàu thì cứ thế tiêu, ko phải tính toán. Chỉ khổ cho tầng lớp trung lưu ở
giữa, thương con quá, chiều con quá, nên con chỉ biết ăn – học – ngủ - chơi mà
không biết rằng bố mẹ thì tiết kiệm đến mức không dám mua sắm gì cho mình.
Các
em cứ vô tư như vậy, để rồi đến ngày tốt nghiệp, sau chuỗi ngày xả hơi, vui
chơi lấy sức, mới đồng loạt ca bài “hoang
mang style”! Bởi vì sao? Câu hỏi phổ biến nhất mà tôi nhận được trong những
năm qua là: “Em mới ra trường, kinh nghiệm
không có, thành tích học tập bình thường và không tham gia bất cứ hoạt động xã
hội nào. Vậy làm sao để NTD tuyển em?”. Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời như thế
nào? Nếu là NTD, liệu có lý do nào để tuyển những ứng viên như thế không?
Ngay
cả nhóm “kén việc” vì tự tin, muốn
tìm môi trường đúng như kỳ vọng; hay nhóm “chối
việc” vì tự kiêu, ảo tưởng rằng mình tốt nghiệp đại học, sao phải đi làm những
việc dưới khả năng; và cả nhóm “khát việc”
vì không có chút lợi thế nào mà tôi mới phân tích ở trên cũng vậy. Nguyên nhân
của nó đều nằm ở 2 từ “vô tư”. Các em
hồn nhiên quá, cứ nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Các em ngây thơ quá, nghĩ
rằng cuộc đời cũng như trường học, rằng “Trời sinh voi thì sẽ có cỏ, cứ ra trường
rồi nghề nghiệp tính sau”. Kiếm việc không khó, nhưng nếu em không có ý thức cầu
tiến, thái độ học hỏi và rèn luyện bản thân, thì mãi ở trong tình trạng thất
nghiệp vậy thôi. Rồi đến lúc đó, em (và gia đình em) lại đổ lỗi cho ngành giáo
dục vì dạy không khớp với thực tế, đổ lỗi cho NTD vì cứ đòi hỏi kinh nghiệm…
bla bla…
Báo
chí gần đây đề cập đến việc cử nhân ôm biển xin việc. Người khen kẻ chê. Chê
nhiều hơn khen vì “thanh niên sức dài vai rộng, sao phải đi xin 1 công việc?”, “mới
ra trường, mà đã lấy vợ sinh con, sao mà ấu trĩ vậy?”, “đừng đem đứa con ra để
cầu xin sự bố thí”... Cứ phải làm ở bộ phận tuyển dụng hay tư vấn tuyển dụng mới
biết, cậu bé kia đại diện cho 1 thực trạng nổi bần bật – Sinh viên thất nghiệp… là 1 lẽ tự
nhiên! Việc đầu tiên để khắc phục đó là các em phải định hướng nghề
nghiệp, vẽ ra lộ trình nghề nghiệp, thấy mình yếu cái gì thì học hỏi thêm cái
đó, không có kinh nghiệm thì thay bằng thái độ, bằng ý thức cầu tiến, thậm chí
bằng cách làm việc không lương để tích lũy kỹ năng. Nếu như các em đủ quyết tâm
làm những việc đó thì kiếm việc không phải là khó khăn nữa. Học viên của tôi
thường chỉ mất 1 tháng là có việc ngon lành, bởi vì các em làm tốt những điều
trên. Và tất nhiên, chẳng ai trong số đó phải nhờ cậy gia đình, người thân để “chạy
việc” hay “xin xỏ” để có 1 công việc cả. Ứng viên chuyên nghiệp thì phải bản
lĩnh, biết mình đang đứng ở đâu, có thể làm việc gì – “Biết người biết ta, trăm
trận trăm thắng”!
Tôi
mong rằng gia đình, nhà trường và xã hội hãy “thả lỏng” các em hơn chút nữa. Dạy
các em cách tự lập, khuyến khích các em tự nhận trách nhiệm nhiều hơn. Đừng đổ
lỗi cho hoàn cảnh, đừng đổ lỗi cho Bộ Giáo dục, đừng đổ lỗi cho NTD hay bất cứ
nguyên nhân nào khác. Thế giới không ngừng vận động, các nước không ngừng phát
triển. Nếu các em muốn là công dân toàn cầu, muốn là chủ nhân tương lai của đất
nước, muốn thoát cảnh thất nghiệp – không cách nào khác là phải nỗ lực nhiều
hơn. Chỉ có ý thức tự hoàn thiện mình mới là phương pháp giúp vượt qua mọi khó
khăn, cản trở. Phép mầu có hay không cũng nằm ở đó đấy.
-
Nguyễn Quốc Chiến,
Chuyên gia Tư vấn, Đào tạo.
No comments:
Post a Comment