Fờ Lêm tự truyện - Tô mì thuở nhỏ

(Quocchien242) Ngày còn bé, đất nước nghèo lắm, gia đình anh cũng nghèo lắm. Bố mẹ nhịn ăn, nhường cho con; anh trai tiết kiệm, để dành cho em; em cũng không dám đòi hỏi gì nhiều. Quần áo rách thì lấy vải khâu lại. Đồ dùng cũ vẫn tiếp tục tận dụng. Nhà thì sửa hết góc nọ, lại đến góc kia.


Nhớ có gói mì tôm miliket ăn là sướng rồi. Bố mẹ nhịn thì cũng được, mà có 2 anh em thì biết làm sao. Thế là 1 gói mì tôm úp ăn gần hết sẽ trộn thêm cơm nguội vào, như thế là đủ no cho 2 đứa trẻ. Bố đi làm xa, mà con theo chân bố đến cơ quan chơi. Bữa tối, bố chỉ mua 1 gói xôi trứng, cho con quả trứng rán, bố chỉ ăn xôi không. Đến bữa ăn, có 1 đĩa đậu và 1 vài miếng thịt. Bố mẹ nhường con ăn thịt, mình chỉ ăn đậu thôi. Các con biết thế, nên tranh nhau ăn đậu (!) Không phải vì tham ăn, mà định dùng cách đó để ép bố mẹ phải ăn thịt.... Cuối cùng, bố chỉ ăn cơm chan canh. Mẹ tủi thân khóc, bảo các con không hiểu lòng bố mẹ. Con cũng muốn khóc, vì suy nghĩ trẻ con non nớt, đâu hiểu nổi sự hi sinh của bố mẹ lớn nhường nào.

Chính vì tuổi thơ cơ cực, nghèo khó ấy mà lớn lên anh là người cực kỳ tiết kiệm. Anh thích ăn mì tôm úp, giống như bố thích ăn xôi. Đã ăn mì là phải để dành lại ít nước "súp" cuối cùng, trộn cơm nguội vào ăn ngon lắm. Kể cả mì "không người lái" (không trứng, không thịt, không rau) cũng được, nhưng phải có cơm nguội. Kể cả khi ăn cơm, hay thức ăn cũng thế, không được bỏ sót, dù chỉ là một miếng nhỏ, vì bỏ đi là lãng phí. Thà ăn ít, còn hơn là ăn mà để thừa...


Trưa nay, trên nền nhạc guitar bài "Quê hương" nhè nhẹ, ngồi úp gói mì ăn anh lại nhớ những ngày xa xưa. Ai chưa trải qua gian khó, thì sao hiểu được ý nghĩa của sự đủ đầy?!. Nếu như anh có cơ hội đi thật xa, có lẽ mì tôm úp sẽ là một trong những thứ mà anh nhớ nhất. Bởi đó là tình cảm thương yêu của gia đình, của sự hi sinh và đùm bọc.



Viết cho những kỉ niệm thời ấu thơ.

No comments:

Post a Comment