Fờ Lêm tự truyện - Sinh viên đi làm thêm

(Quocchien242) Bạn anh hỏi rằng: "Sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm không? Hay chỉ cần tập trung vào việc học?". Anh bảo: "Trợ giảng của anh bắt đầu đi làm thêm từ sau khi tốt nghiệp phổ thông và vừa đủ 18 tuổi...". Trong khi một số bạn khác lại ủng hộ việc học, cho rằng sinh viên đi làm toàn những việc lặt vặt nên chẳng tích lũy được gì, chỉ lãng phí thời gian... Mỗi người một quan điểm, vậy ai đúng - ai sai?


Nhiều năm về trước, khi anh mới chân ướt chân ráo bước vào trường Đại học Thương Mại. Thế giới sinh viên đối với anh khi ấy khác biệt lắm lắm. Hào nhoáng cũng có, bụi bặm cũng có. 


Ở cấp phổ thông, trường anh chỉ có nhà 3 tầng là cao nhất. Còn lên đại học có cả nhà 5, 7 tầng thậm chí còn hơn.

Ở cấp phổ thông, lớp anh chỉ có 30 người, còn lên đại học, hội trường chứa được cả trăm người, vừa đông vui nhưng cũng vừa xa cách.

Ở cấp phổ thông, lý thuyết và bài tập rất nhiều, không thuộc bài là bị phạt, điểm kém và 1 lô những điều luật khác. Lên Đại học, giáo viên cứ giảng thao thao bất tuyệt, sinh viên bên dưới học hay không cũng được. Đứa thì chép bài, đứa thì ngủ gục đến hết buổi mới dậy...

Ở cấp phổ thông, anh là con ngoan trò giỏi, hiền lành dễ thương. Còn lên đại học, anh cũng biết kết bè tạo nhóm, cũng biết ngồi lê la trà đá và ngắm con gái đi qua. Thấy nhiều người xinh, mà hình như muốn thương không dễ.

Quá nhiều sự khác biệt, quá nhiều tự do và không khó để buông thả với những cám dỗ. 

Nghe nói, sinh viên không cần học sách nhiều, cả môn học chỉ cần tóm lược vài ý, trong vài trang giấy là đủ. Anh nghe theo, nên có môn 45 tiết anh chỉ "tóm tắt" hết đúng... 1 trang trong vở ghi (!)

Nghe nói, sinh viên không cần học quá nhiều, trước kì thi vài ngày rồi học vẫn kịp. Anh làm theo, nên thi 5 môn thì... trượt mất 3 môn (!)


Nghe nói, không bùng học không phải sinh viên, nên anh cũng "tự giác" bùng ghê gớm. Nghĩ ra đủ mọi lý do để không đi học luôn. Kết quả là, xém chút không đủ tư cách để dự thi.

Nghe nói, sinh viên là phải hút thuốc lá, uống trà đá, ngạo nghễ với đời. Anh thấy thuốc lá thì hôi hôi, nên thôi uống trà không cũng được.

Nghe nói, sinh viên là phải biết đi xe buýt. Anh làm ngay thẻ liên tuyến và đi đến mức gần như thuộc hết bản đồ xe buýt Hà Nội. Ngày ấy, người đông xe ít, cơ mà vui đáo để.

... Cứ như vậy, anh thử không ít trò của sinh viên. Hại nhiều hơn lợi nên học kì 1 của năm đầu trôi qua nhanh với nhiều điểm xấu. Thi 5 môn thì trượt mất 3 môn, thi lại 2 lần không qua nên phải học lại 1 môn. Điểm tổng kết chỉ được "5 phẩy" và cả thế giới sụp đổ trong mắt anh. Anh phải làm lại!


Tự sốc lại tinh thần, tự đưa ra kỷ luật với bản thân và tích cực rèn luyện. Anh đã có sự đổi thay chóng mặt. Học kỳ tiếp theo anh tăng thêm “2 phẩy”, nằm trong nhóm những sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng. Bạn bè, chúng bạn ngợi khen và cuộc sống của anh như nở hoa trở lại. Ở trong đó, lại có thêm 1 điểm tốt, 1 trải nghiệm đáng tự hào mang tên “Đi làm thêm” – 1 điều mới mẻ mà lúc đó anh mới được biết.

Anh đi làm cho 1 công ty tổ chức sự kiện. Công việc của anh là trước khi có sự kiện, sẽ phải đem giao toàn bộ thư mời đến các khách hàng, đối tác của công ty cho sự kiện đó. Kiểu như bây giờ thì gọi là shipper đấy! Còn ngày ấy, tuy chỉ là đưa thư, nhưng vì tầm quan trọng của các sự kiện nên họ yêu cầu anh phải có tác phong vô cùng chuyên nghiệp: Quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng. Ra hỏi về chào, lịch sự và duyên dáng như những chuyên viên tư vấn, quan hệ khách hàng vậy. Anh bắt đầu từ những khu vực nhỏ, nhóm nhỏ, rồi tiến dần lên phụ trách toàn bộ mảng gửi thư mời đó. Có 1 số sự kiện, anh còn được tự tổ chức nhóm để đáp ứng yêu cầu của công việc. Anh là sếp, dù chỉ trong 2 ngày thôi, mà vẫn vui khó tả. Việc làm thêm như vậy, đem lại lợi ích gì cho anh?


Thứ nhất, anh có tiền thù lao, cộng với học bổng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đủ để anh chi trả toàn bộ học phí trong suốt những năm đại học.

Thứ hai, anh được tiếp xúc với thế giới nghề nghiệp. Nên càng về sau càng tự tin, đi phỏng vấn là đẹp giai, ngon lành lắm. Đến đâu làm cũng được yêu quý, trao gửi trọng trách và niềm tin.

Thứ ba, anh thuộc nằm lòng bản đồ Hà Nội. Một yếu tố quá cần thiết cho nghề Kinh doanh sau này. Không những vậy, đó cũng là lợi thế để… tán gái (!). "Cứ ngồi lên xe anh, em muốn đi đâu cũng chỉ cần 1 nốt nhạc!".

Và vô vàn những lợi ích khác mà anh cảm nhận được. Từ đó, quan điểm của anh rất rõ ràng:

1/. Sinh viên đi làm thêm là tốt. Vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa rèn luyện bản thân. Sau này ra trường dễ kiếm việc làm hơn rất nhiều. 

2/. Làm việc gì cũng được. Quan trọng là mình học được gì từ những trải nghiệm đó. Không phải là a dua theo bạn bè. Hãy làm việc thực sự và học hỏi thực sự. Công sức bỏ ra sẽ được đền bù xứng đáng.


3/. Dù làm thêm, nhưng vẫn phải cân đối với việc học. Vừa học tốt, vừa kiếm tiền tốt - ấy mới là đỉnh cao.

4/. Nếu không làm việc được trả lương, thì tối thiểu cũng nên tham gia làm tình nguyện trong các hoạt động cộng đồng. Vì sao lại thế ư? Hãy xem lại điều thứ 2!

Đấy, quan điểm của anh là như thế đấy. Không có cái gì hoàn toàn đúng, hoặc hoàn toàn sai. Nếu bạn đã quyết định rồi, thì cứ thế mà làm theo. Đừng để những lời tham khảo bên ngoài làm lung lay ý chí. Nếu muốn đi du lịch thì hãy xách ba lô lên và đi. Nếu muốn đi làm thêm thì hãy mạnh dạn nộp hồ sơ và ứng tuyển.

Thế nhé. Chúc bạn thành công! 

Hẹn gặp lại ở những note sau với câu chuyện thú vị về anh chàng Fờ Lêm.


- Nguyễn Quốc Chiến,
Viết cho những bạn trẻ vừa rời khỏi mái trường phổ thông.

No comments:

Post a Comment