(Quocchien242) Trong công việc, ai cũng có thể gặp "đồ thị hình sin" với tinh thần, thái độ và tất nhiên là cả chất lượng làm việc. Nhiệm vụ của người quản lý là cần phát hiện ra tình trạng đó của nhân viên, để có sự can thiệp kịp thời. Hãy cùng xem những phương pháp tạo động lực cho nhân viên mà tôi đã tích lũy được và vận dụng nó một cách linh hoạt nhé.
1/. Khen ngợi, biểu dương bất cứ khi nào có thể:
Bạn sẽ phải cập nhật những thành tích và ý tưởng tốt của nhân viên thường xuyên. Sự khen ngợi đúng lúc luôn luôn quan trọng hơn là những phần thưởng mà họ nhận được. Ngay cả khi nhân viên chỉ có một sự cải tiến nhỏ, hay một ý tưởng tiềm năng - thì sự động viên, ghi nhận của người quản lý vẫn khiến cho nhân sự đó cảm thấy tự hào. Đó chính là một động lực.
2/. Giúp nhân viên hiểu được ý nghĩa công việc của họ:
Không có vị trí nào là thừa thãi, hay không cần thiết cả (nếu có, hãy cố gắng loại bỏ sớm). Hãy giúp nhân viên hiểu rằng họ đang tham gia vào việc gây dựng, phát triển tổ chức. Vị trí của họ rất quan trọng, giống như bánh xe trong một dây chuyền lớn. Sự đóng góp nhỏ đem lại nhiều thành quả lớn lao. Nhà quản lý càng trân trọng nhân viên bao nhiêu, thì người đó càng gắn bó với công ty bấy nhiêu. Đó cũng là một động lực.
3/. Chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân:
Để có thể đạt được vị trí hiện tại, lãnh đạo nào cũng phải trải qua không ít thử thách. Mỗi một kinh nghiệm, kiến thức hay kỹ năng của "sếp" đều là kho tàng vô giá cho thế hệ đi sau học hỏi. Hãy chia sẻ chân thành những câu chuyện của mình, để nhân viên có động lực phấn đấu và mơ ước nhiều hơn. Đó cũng là một động lực.
4/. Nâng cấp năng lực cho nhân viên:
Việc học hỏi sẽ không có ý nghĩa nếu cá nhân người đó không vận dụng vào thực tế. Công việc của những người làm đào tạo là thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao năng lực cho từng cá nhân, bộ phận. Mỗi một người tiến bộ hơn đều giúp cho cả tổ chức hiệu quả hơn. Và nhân viên sẽ cảm thấy biết ơn, hạnh phúc với sự phát triển của mình. Đó cũng là một động lực.
5/. Giảm tải những việc thừa, không thật cần thiết:
Hãy mạnh dạn loại bỏ bớt những công việc giấy tờ, những biểu mẫu báo cáo, đánh giá không thật cần thiết. Vừa giúp tiết kiệm chi phí cho công ty, vừa làm hiệu quả hơn quy trình làm việc. Trên hết là giúp người lao động cảm thấy tự do, dễ thở và có thể sử dụng thời gian ấy để sáng tạo nhiều hơn. Đó cũng là một động lực.
6/. Cải thiện môi trường làm việc:
Hãy khuyến khích nhân viên đưa ra nhiều ý tưởng, phản hồi, cập nhật để công việc ngày càng hiệu quả. Đồng thời cải thiện không gian, đưa thêm giá sách, bàn trà, khu uống cafe hoặc ăn vặt... Khi được thư giãn thoải mái, mỗi người sẽ tái tạo năng lượng và nghĩ ra được nhiều điều thú vị. Đó cũng là một động lực.
7/. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa:
Nếu chỉ đến văn phòng để làm việc thì thật nhàm chán, khô khan. Thỉnh thoảng những người quản lý, trưởng nhóm cũng nên tổ chức những buổi offline để gắn kết anh chị em. Nhiều khi mối quan hệ khăng khít trong đời thực sẽ tạo ra nhiều động lực cho công việc chung.
---
Chúng ta không thể thay đổi một con người chỉ bằng sự chờ đợi. Hãy chủ động tạo ra những điều kiện để giúp đỡ họ. Vì giúp người khác thành công cũng là một hạnh phúc. Khi từng cá nhân có được động lực phù hợp, họ sẽ làm việc hăng say hơn. Hãy chào đón nhau bằng nụ cười để lan tỏa những niềm vui.
- Nguyễn Quốc Chiến,
Chuyên gia Tư vấn, Đào tạo
No comments:
Post a Comment