10 điều nhầm tưởng về thế giới nghề nghiệp (phần 3)


(Quocchien242) Sau 1 thời gian làm việc, bạn đã có ít vốn lận lưng. Thế giới bên ngoài thật to đẹp, môi trường và thu nhập ở đây không tương xứng với khả năng của mình. Vậy nên bạn quyết định nhảy việc. Thậm chí, mở công ty khởi nghiệp luôn cho máu. Bạn có đang như vậy không? Hãy cẩn thận kẻo nhầm lẫn tai hại.


Phần 1: Giai đoạn 1: Tìm việc


Phần 2: Giai đoạn 2: Làm việc


GIAI ĐOẠN 3: NHẢY VIỆC


1/. Mình thích thì mình nghỉ thôi. Cần gì lý do thuyết phục:

Giới trẻ bây giờ rất cá tính, bạn không phải là ngoại lệ. Thích thì yêu, đói thì ăn, muốn là đi, nghĩ là làm vì chỉ có 1 cuộc đời để sống (YOLO – You Only Live One)... Dám nói, dám làm là tốt. Nhưng không phải lúc nào cũng bốc đồng, chỉ làm điều mình thích, đặc biệt là trong thế giới nghề nghiệp.

Sự thật là: Nhảy việc là xu hướng khi bạn không giải quyết được những mâu thuẫn trong công việc. Lần 1, lần 2 không sao cả. Nhưng đến lần 5, lần 6 thì bạn phải xem lại. Những vấn đề đó vẫn cứ lặp đi lặp lại. Lỗi không phải ở môi trường căng thẳng, sếp khó tính, đồng nghiệp dở hơi nữa. Lỗi nằm ở bạn!

Lời khuyên: “Trước khi bỏ cuộc, hãy nhớ lại lý do mà bạn bắt đầu”. Chính công ty này, công việc này đã khiến bạn hào hứng ngày mới trúng tuyển cơ mà. Bao nhiêu kế hoạch, dự định chưa thực hiện được, chẳng lẽ lại từ bỏ chỉ vì 1 phút nông nổi sao? Tôi cũng đã từng nhảy việc nhiều, cho đến khi nhận ra sự thật đó. Làm việc là quá trình tương tác, làm việc nhóm. Nếu như bạn không giảm bớt cái tôi cá nhân để hòa vào cái chung của tập thể thì con đường duy nhất chỉ có thể là làm việc 1 mình. Điều đó không hề dễ dàng, nhất là khi bạn còn quá trẻ, thiếu vốn, ít kinh nghiệm và những mối quan hệ cần thiết để tự lực cánh sinh, tự thân vận động. Nếu không muốn nằm nhà 6 tháng vì thất nghiệp, thì hãy cân nhắc thận trọng về những quyết định của mình. Trước khi nộp đơn thôi việc, hãy nói chuyện với sếp, đồng nghiệp và tìm giải pháp trước. Phần lớn vấn đề đều có thể giải quyết với sự tham gia của “cái đầu thứ 2”. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo nhé.


2/. Kiếm việc lần 2 là quá đơn giản:

Lần đầu mới ra trường không biết gì, còn bây giờ mình đã có “kinh nghiệm” và mình sẽ kiếm được việc làm chỉ trong vòng 1 nốt nhạc cho xem. Bạn tràn trề tự tin, nên quyết định… nghỉ xả hơi vài tháng trước, sau đó thong thả chuẩn bị hồ sơ tìm việc trở lại. Nghe có hợp lý không nhỉ?

Sự thật là: Hầu hết những người tôi đã tư vấn đều nghĩ như vậy. Và không ít người cực kỳ vất vả để kiếm việc trở lại. Thời gian nghỉ xả hơi ban đầu là 3 tháng, rồi tăng lên thành 4,5 và 6 tháng. Có người - mà tôi từng tư vấn – thất nghiệp đúng 1 năm, sau đó mới tìm được việc. Lý do vì tuy bạn không còn ngây ngô như thuở mới ra trường nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã trở thành chuyên gia. Khi tuổi tác tăng, trình độ tăng thì những đòi hỏi của Nhà tuyển dụng cũng tăng lên. Ngoài ra, “buông xả” quá lâu sẽ khiến bạn trở nên trì trệ và kiệt quệ tài chính. Khi mà tinh thần không tốt thì những khả năng, điểm mạnh vốn có cũng trở nên yếu ớt hơn. Sự nhạy bén, sức thuyết phục cũng giảm xuống, dẫn đến mất đi những cơ hội việc làm ngon ăn. Mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, trừ khi bạn có 1 quyết tâm thay đổi thật mạnh mẽ.


Lời khuyên: Chính tôi cũng từng trải nghiệm quãng thời gian thất nghiệp kéo dài. Tin tôi đi, nó không hề dễ chịu chút nào đâu. Tiền hết, tình tan, không có động lực sống hay làm bất cứ điều gì khác. Vậy nên, tôi thực sự, thực sự khuyên bạn rằng hãy chuẩn bị cho mình 1 kế hoạch đầy đủ trước khi nghỉ việc. Bạn sẽ chơi trong bao lâu, rồi tìm việc gì, có bao nhiêu tiền, phải chi trả, đầu tư những gì… Càng chi tiết bao nhiêu thì càng chủ động bấy nhiêu. Nhớ là đừng chờ đến lúc hết sạch tiền mới đi tìm việc. Vì bạn sẽ phải làm ít nhất 1 tháng mới lại được nhận lương. Hãy sử dụng thời gian nghỉ ngơi 1 cách hữu ích, bao gồm cả việc hoạch định nghề nghiệp rõ ràng cho tương lai để tránh lại phải nhảy việc tiếp.

3/. Sao không thử theo đuổi đam mê và làm giàu bằng cách khởi nghiệp?

Bạn không thích làm thuê. Không chịu được việc làm theo sự sai bảo của người khác. Hoặc bạn có những ý tưởng hay và niềm tin mãnh liệt vào con đường làm giàu của 1 triệu phú. Bạn cũng sưu tầm không ít câu chuyện về Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg… để làm động lực. Rồi, bây giờ bạn đã sẵn sàng KHỞI NGHIỆP!

Sự thật là: Bạn sẽ “chết” ngay tức khắc trong vòng 1 năm nếu như không có 1 kế hoạch kinh doanh bài bản. Nếu khởi nghiệp chỉ dựa vào cảm xúc nhất thời thì sẽ nhanh chóng khủng hoảng ngay khi tiêu hết những đồng tiền có được. Ý tưởng là vô vàn, những thứ mà bạn nghĩ rằng vô cùng độc đáo, hóa ra tràn lan trên mạng và không ít người đã từng làm thử. Điều gì mới là yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp thành công?

Lời khuyên: Kế hoạch kinh doanh bài bản, nền tảng tài chính, những kiến thức, kỹ năng và những mối quan hệ cần thiết là tiền đề. Yếu tố then chốt nằm ở ý chí và kỉ luật của bản thân. Nếu như bạn nghỉ việc chỉ vì không thích phục tùng người khác, thì e rằng, tính cách đó cũng khiến bạn thất bại khi khởi nghiệp thôi. Đó là lý do tôi không ủng hộ những bạn trẻ bứt ra làm riêng quá sớm. Các bạn cần tích lũy và rèn luyện bản thân đã, rồi hãy khởi nghiệp. Hãy nghĩ về những điều mình thực sự LÀM ĐƯỢC chứ không phải là NHẬN ĐƯỢC khi khởi nghiệp các bạn nhé.

-----
Cuộc sống là những trải nghiệm. Có đi, có làm thì mới hiểu biết nhiều hơn. Hãy sống như những hòn đá cuội, không ngại khó khăn, va đập và thử thách. Để kiên trì tiến về phía trước. Hãy nhớ, tuổi trẻ là mùa của nhiệt huyết. Chúc bạn tận dụng tốt lợi thế đó để đi tới thành công.

- Nguyễn Quốc Chiến,
Chuyên gia Tư vấn, Đào tạo

No comments:

Post a Comment