(Quocchien242) Nhân dịp 20/11 vừa qua, Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara tổ chức một sự kiện với tên gọi: “Khi cha, mẹ là Thầy”. Trong hội thảo lần đó, chúng tôi, bao gồm cả Diễn giả, các Chuyên viên tư vấn và Quý vị Phụ huynh đã cùng thống nhất với nhau một thông điệp rằng: “Bố mẹ không chỉ là Thầy, mà còn là người Thầy rất đặc biệt, theo con suốt cả cuộc đời”. Và trong số những công việc, những bài học mà bố mẹ dạy cho con, thì khó nhất chính là làm sao để giúp con đủ tự tin, đủ trưởng thành để tự lập trong cuộc sống. Tự lập không có nghĩa là bươn chải, kiếm tiền ngoài cuộc đời. Mà nó bắt nguồn từ những việc nhỏ bé, đơn giản mà con có thể làm được hàng ngày như: Tự đi vệ sinh, tự xúc cơm ăn, tự thay quần áo, chơi, thu dọn đồ chơi hay không ỉ lại vào anh, chị, bố, mẹ mỗi khi làm bài tập về nhà. Phương pháp thì có rất nhiều, dưới dây, tôi sẽ chia sẻ cùng Quý vị Phụ huynh 5 câu thần chú rất hiệu quả để rèn luyện, khích lệ tính tự lập cho con.
THẦN CHÚ #1: CON LÀM ĐƯỢC MÀ!
Nếu như trẻ có thể lôi đồ ra chơi,
thì cũng có thể thu dọn mỗi khi chơi xong. Phụ huynh đừng vội vàng làm giúp con
chỉ vì muốn “cho nhanh”. Bởi trẻ con rất thông minh, nếu nhìn thấy người lớn
làm hộ vài lần thì nó sẽ mặc nhiên coi đó là việc của người khác. Lâu dần thành
thói quen, trẻ sẽ nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ, kể cả khi việc đó không hề khó.
Giải pháp: Đừng vội đáp ứng, hãy nhẹ nhàng
nói với con rằng: “Bố/Mẹ nghĩ rằng việc này con làm được đấy. Nó không hề khó, dễ lắm.
Cứ làm đi, CON LÀM ĐƯỢC MÀ!”. Bố mẹ hãy đặt tên cho những nhiệm vụ
ấy, kèm với đó là vẻ mặt tập trung và tin tưởng. Rồi các con sẽ cố gắng làm.
Khi những lần đầu thành công, thì những lần sau sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chẳng
mấy chốc, con học được tính tự giác và trách nhiệm, thậm chí yêu thích những
“nhiệm vụ nhỏ” đó như: Đánh răng diệt vi khuẩn; Dọn đồ chơi để nhà sạch sẽ; Thi
ăn cơm xem ai về đích trước; hay Mặc quần áo đẹp để được đi chơi…
THẦN CHÚ #2: NÀO, MÌNH CÙNG LÀM NHÉ
Đối với những hoạt động lần đầu tự
làm, hoặc quá khó, trẻ sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Thay vì chỉ khuyến khích
con tự nghĩ ra cách làm, thỉnh thoảng bố mẹ nên làm cùng với con. Hãy nhớ, đây
là “làm cùng” chứ không “làm hộ”. Vừa làm, vừa giải thích, là cách giúp con
hiểu hơn, đồng thời không sợ hãi với hoạt động mới, môi trường mới. Ở các lớp
học kỹ năng của Cara, đôi lúc có
những trẻ rất nhút nhát, đặc biệt là buổi đầu đi học. Vì vậy, chúng tôi đồng ý
để bố mẹ vào cùng con khoảng 15-20 phút đầu tiên. Điều này, giúp cho trẻ bớt sợ
hãi hơn. Khi trẻ đã dần quen với không khí lớp học, Phụ huynh sẽ rút ra ngoài
để con tự do cùng các bạn.
Cũng như vậy, bạn hãy sẵn sàng
tham gia cùng con nếu như thấy rằng hoạt động đó quá khó, rồi rút dần sự xuất
hiện của mình, để con hoàn thiện nốt nhiệm vụ. Hãy cho con biết, cha mẹ luôn ở bên con, để
con vững tin với các thử thách mới.
THẦN CHÚ #3: CON HƯỚNG DẪN BỐ/MẸ LÀM ĐI
Trẻ con tính nết thất thường, rất
mau giận dỗi và bỏ cuộc. Cũng có cả những bé ương bướng, cương quyết không chịu
làm việc được giao. Dù ép, hay nịnh cũng không có hiệu quả. Thậm chí trẻ sẵn
sàng òa lên khóc để gây “áp lực” với người lớn. Nếu bố mẹ không đủ kiên nhẫn
(hoặc xót con) sẽ vội vàng lao vào làm hộ. Nhưng cách đó chỉ xoa dịu trẻ và
giải quyết được vấn đề trước mắt, lâu dần bé vẫn không thể tự lập, thậm chí
lười biếng hơn vì đã “nắm được thóp của bố mẹ”.
Giải pháp: Hãy nói với con: “Bố mẹ không
biết làm như thế nào, con hướng dẫn bố/mẹ đi”. Trong một số trường
hợp, khi trở thành người hướng dẫn, trẻ sẽ trở nên thích thú và nhiệt tình hơn.
Như con trai tôi chẳng hạn. Đó là một cậu nhóc 5 tuổi, vô cùng thông minh
(giống như những bố mẹ khác tự nhận về con mình cũng vậy). Nó có một cái bao đựng
thẻ, để đựng phiếu bé ngoan và các tấm thẻ siêu nhân khác vào. Bao thẻ này lại
có một cái móc thép để cài và một cuộn dây rút như lò xo. Hôm đó, anh chàng
muốn chơi trò Người Nhện, cần phải cài bao thẻ vào tay áo như súng bắn tơ,
nhưng với sức lực của một đứa trẻ 5 tuổi thì hơi khó để kéo được cái móc khóa
kia ra. Và chàng hậm hực, khóc, bắt bố làm hộ. Bố hỏi: “Ừ thế hai bố con mình
cùng làm. Con hướng dẫn bố đi”. Anh chàng thay đổi ngay trạng thái, nói liên
hồi: “Bố làm như thế này này, kéo cái móc ra, rồi cài vào…”. Vừa nói, vừa làm
mẫu. Cuối cùng, bố chỉ cần giúp mỗi việc mở banh móc, ghé vào cổ tay, còn lại
ku cậu làm nốt. Hướng
dẫn người khác làm sẽ giúp cho chính bản thân trẻ nhớ bài tốt hơn.
Tin chắc rằng, những lần sau ku cậu sẽ không cần bố giúp nữa.
THẦN CHÚ #4: TUYỆT VỜI! CON GIỎI LẮM!!!
Trẻ sẽ yêu thích những nhiệm vụ
của mình nhiều hơn nếu nhận được những lời khen ngợi, động viên của bố mẹ kịp
thời. Hãy “thủ sẵn” cho mình một số câu khen ngợi giàu cảm xúc như: “Good job!;
Awesome!; Con thật là xuất sắc!; Tuyệt vời!; Con giỏi lắm!!!...”.
Nhớ là, khi khen ngợi phải kịp thời và tập trung hoàn toàn vào lời khen đó. Nếu
bạn chỉ làm một cách chiếu lệ như: “Ừ, giỏi lắm. Rồi, đi chỗ khác cho bố làm
việc” – thì sẽ không những không hiệu quả, mà còn phản tác dụng, khiến cho trẻ
không còn tin tưởng vào lời khen nữa.
Hãy bỏ chút thời gian chơi với
con, quan sát con và khen ngợi con thật lòng. “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa
lời mà nói cho vừa lòng… con!”. Hơn nữa, khi khen ngợi, chính bạn cũng rất vui
mà!
THẦN CHÚ #5: HÃY SÁNG TẠO VÀ KIÊN TRÌ
Khác với bên trên, câu thần chú
này là dành cho bố mẹ. Mỗi một đứa trẻ có một tính cách khác nhau, mỗi một gia
đình có một môi trường khác nhau và mỗi một bố mẹ có một năng lực khác nhau. Dù
bạn có đọc bao nhiêu quyển sách, tham gia bao nhiêu hội thảo hay lắng nghe tư
vấn của bao nhiêu Chuyên gia, Diễn giả thì cũng không thế cứ thế áp dụng y
chang theo kiểu “sao y bản chính” được. Hãy lắng nghe và vận dụng một cách sáng tạo.
Dựa trên đặc điểm con mình, môi trường gia đình mình và khả năng của chính mình
để tìm ra những cách thức phù hợp nhất, khuyến khích con tự lập.
Đừng nóng vội. Hãy thật kiên nhẫn
và cả nhà sẽ gặt hái trái ngọt từ những thói quen tốt của con. Chúc cho bố mẹ
sẽ có thêm thật nhiều câu thần chú và phương pháp để giúp trẻ ngày càng tự lập
hơn.
- Diễn giả Nguyễn Quốc Chiến,
Chuyên gia Tư vấn, Đào tạo
No comments:
Post a Comment