Thực trạng đào tạo giáo viên dạy kỹ năng sống tại Việt Nam


(Quocchien242) Hiện nay, đang nở rộ phong trào khuyến khích trẻ học kỹ năng sống trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Các gia đình có điều kiện đều mong muốn con được tham gia học kỹ năng sống, với hi vọng con sẽ thích ứng được với học tập và cuộc sống tốt hơn. Nắm bắt được nhu cầu đó, rất nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống mọc ra, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng giáo viên giảng dạy kỹ năng sống cũng tăng lên tương ứng.



Ở Việt Nam không có trường nào đào tạo chuyên về giáo viên dạy kỹ năng sống. Ngay cả những trường hàng đầu như Đại học Sư phạm hay Học viện Quản lý Giáo dục cũng chỉ có những tín chỉ hay khóa học ngắn hạn về đào tạo Kỹ năng sống cho học viên. Vậy các giáo viên tại Trung tâm hay Công ty giảng dạy Kỹ năng sống đến từ đâu?

CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI NGHỀ GIẢNG DẠY KỸ NĂNG SỐNG:

1/. Con đường gần gũi nhất:

Các giáo viên tốt nghiệp trường Sư phạm, nhiều nhất là với các khoa: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Công dân, Văn học, Lịch sử, Quản lý giáo dục, Tâm lý Giáo dục… Những khoa này đều thiên về chăm sóc trẻ nhỏ, hiểu về tâm lý lứa tuổi, dạy về văn hóa – đạo đức, nên có thể chuyển mình sang giảng dạy kỹ năng sống nhanh nhất. Đó là một tiền đề và lợi thế không nhỏ dành cho giáo viên tốt nghiệp các chuyên ngành này.

2/. Con đường thực tế nhất:

Nhiều nhân sự tuy không xuất phát từ giáo viên khối Sư phạm, nhưng qua quá trình làm việc, tiếp xúc với việc đào tạo kỹ năng mềm cho người lớn hoặc trẻ nhỏ, nhờ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết như: giảng dạy, huấn luyện, tư vấn tâm lý, thuyết trình… Những ứng viên này cũng thích nghi khá nhanh khi chuyển sang giảng dạy về kỹ năng sống.

Cho dù đi theo con đường nào thì các ứng viên đều cần tham gia ít nhất một chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ giảng dạy Kỹ năng sống rồi mới có thể chính thức làm việc như một giáo viên Kỹ năng sống thực sự.

NƠI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY KỸ NĂNG SỐNG:

Hiện tại, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp chứng chỉ giáo dục Giá trị sống và Kỹ năng sống cho giáo viên. Các học viên được bồi dưỡng trong vòng 8 buổi học để trở thành những giáo viên nguồn trong việc đưa kỹ năng sống, giá trị sống vào giảng dạy tại các trường học ở địa phương.

Ngoài ra, tìm kiếm trên mạng internet cụm từ khóa “Đào tạo giáo viên kỹ năng sống” sẽ ra hàng loạt kết quả liên quan. Hầu hết là khóa học do các Trung tâm hoặc Công ty tự tổ chức. Một vài tên tuổi uy tín có thể kể đến như: Vietskill, Tâm Việt, Dolphinkids (Trí Việt)… Đến với các khóa học này, học viên sẽ được trải qua 7-15 buổi với nhiều module khác nhau. Khóa Đào tạo Kỹ năng sống do Chuyên gia Nguyễn Quốc Chiến – Trưởng phòng Đào tạo, Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara trực tiếp giảng dạy gồm có 6 module và 2 buổi tổng giảng – cung cấp những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, với hình thức hoạt động đa dạng, phong phú. Kết thúc khóa học, học viên còn được tạo điều kiện ứng tuyển và làm việc tại Cara với vai trò Giáo viên Kỹ năng sống đã qua đào tạo.

Những đơn vị chuyên nghiệp và có uy tín kể trên, đã dùng rất nhiều công sức để gây dựng hệ thống đào tạo, quy trình kiểm soát chặt chẽ và chất lượng. Nhờ đó, các giáo viên đã qua đào tạo đều trưởng thành nhanh, mau chóng thích nghi và đáp ứng được yêu cầu giảng dạy kỹ năng sống. Nhưng đó vẫn chỉ là những con số nhỏ.

Giữa một rừng những công ty và trung tâm kỹ năng sống nở rộ khắp nước hiện nay, số lượng giáo viên được đào tạo chuẩn chỉnh như vậy là rất ít. Đa số giáo viên tại các trung tâm kỹ năng sống khác chỉ được đào tạo qua cách “cầm tay chỉ việc” hay “training on-job” – vừa làm vừa sửa. Quá trình đào tạo này chậm, ít hiệu quả và mất rất nhiều thời gian. Giáo viên làm việc đến đâu thì hiểu đến đó, chứ không có được cái nhìn tổng quan, đầy đủ, cũng như kỹ năng bài bản.

Một số trường Đại học hoặc Trung tâm giáo dục lại đào tạo giáo viên theo mô hình tư duy truyền thống. Thường gặp nhất với cụm từ “bồi dưỡng giảng viên”. Ở đó, học viên được học về các học thuyết, nguyên tắc giáo dục cần thiết, rồi đến một số kỹ năng liên quan như soạn giáo án, khung chương trình, thuyết trình, tổ chức lớp học… Với hình thức đào tạo này, học viên cần cố gắng liên hệ với thực tế nhiều hơn thì mới áp dụng được kiến thức đã học, tránh sa đà vào việc nghiên cứu lý thuyết quá nhiều, xa rời thực tế. Khi không thoát ly được tư tưởng truyền thống thì sẽ không có những phương pháp mới được đưa vào vận dụng.

LỜI KẾT:

Đào tạo giáo viên Kỹ năng sống là công việc cấp bách, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan, đào tạo theo kiểu duy ý chí, lý thuyết nhiều, thực hành ít, khiến cho học viên tốt nghiệp khóa học vẫn không tiến bộ được là bao. Các cơ sở đào tạo cần liên tục cập nhật và cải tiến phương pháp, nội dung để hoạt động phong phú, hữu ích và sát với thực tế hơn. Khi đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp thì mới có đủ kiến thức và kỹ năng để truyền thụ lại cho trẻ - giúp trẻ đáp ứng yêu cầu trở thành công dân toàn cầu thích ứng với thời đại mới.

Lựa chọn một nơi đào tạo chuyên nghiệp là một nhiệm vụ của những nhân sự muốn trở thành Giáo viên dạy Kỹ năng sống. Và tìm hiểu một đơn vị uy tín, nơi có những giáo viên được đào tạo bài bản cũng sẽ là một tiêu chí mà các phụ huynh nên tính đến khi quyết định nơi gửi gắm con em mình theo học, rèn luyện về kỹ năng sống, giá trị sống trong tương lai. 


No comments:

Post a Comment