(Quocchien242) Chuỗi sự kiện "Năm ánh sáng" được tổ chức bởi VANG - Dự án phi lợi nhuận của các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam. Trải qua hàng loạt chủ đề hữu ích, buổi cuối của sự kiện được đóng lại với chủ đề "Định hướng & phát triển bản thân" cùng sự chia sẻ của Diễn giả Nguyễn Quốc Chiến. Dưới đây là phần phỏng vấn được tóm tắt từ sự kiện (tiếp theo).
Phần 2: Định hướng nghề nghiệp
I: Câu chuyện diễn giả.
- Ngày trước, anh từng được định hướng bản thân từ sớm bởi gia đình hay tự anh định hướng nghề nghiệp cho mình?
Nguyên tắc của tôi là: Cuộc đời mình do mình quyết định. Tất cả mọi lựa chọn từ trường đại học, chuyên ngành cho đến công việc, vợ con, đam mê, định hướng... tất cả đều do tôi tự mình lựa chọn. Tôi lắng nghe và tôn trọng những góp ý của mọi người. Nhưng quyết định là của tôi.
- Anh có thể chia sẻ về hành trình tìm được công việc đầu tiên và hành trình đi tới công việc hiện tại hay không?
Một câu hỏi khá thú vị. Tôi làm việc từ rất sớm, thời sinh viên bố mẹ hầu như không phải cho tiền tôi. Nếu tính từ sau khi ra trường thì công việc đầu tiên đến 1 cách ngẫu nhiên, do 1 người bác giới thiệu. Nhưng tôi bỏ việc sau đó 3 tháng vì thấy nó ko phù hợp. Tôi mất 6 tháng sau suy ngẫm, định hướng nghề nghiệp. Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng tôi chỉ mất... 1 lần phỏng vấn là trúng tuyển ngay. Tôi có duyên với các start-up và mang máu của start-up trong người. Những công việc bạn làm đầu tiên trong 5 năm đầu đời rất có thể quyết định toàn bộ xu hướng nghề nghiệp của bạn ở phần đời còn lại.
Và theo đuổi nghề kinh doanh 5 năm trước khi chuyển hướng sang làm đào tạo cho đến giờ. Tất nhiên có rất nhiều thăng trầm, có những lúc niềm tin lung lay vì làm mãi ko đạt kết quả như mong muốn. Nhưng tôi ko hối hận. Cho đến giờ tôi vẫn thấy mình đi đúng hướng, chỉ là đường hơi dài mà thôi. Bù lại, đường dài thì mình có nhiều trải nghiệm và giúp được cho nhiều người hơn. Chỉ cần bạn tìm ra điều mình thực sự đam mê, bạn sẽ yêu công việc và các trải nghiệm của mình.
II: Những kiến thức cần có trong quá trình định hướng nghề nghiệp.
1. Giai đoạn 1: Tìm hiểu về bản thân xem ngành nghề gì sẽ phù hợp với năng lực.
- Các yếu tố quan trọng khi Định hướng nghề nghiệp phù hợp là gì ạ?
Hãy tham khảo Thuyết con nhím: Điều bạn thích, điều bạn giỏi, điều xã hội cần. Đó là 3 yếu tố tiên quyết. Nếu bạn tìm ra được thứ mình đam mê thì rất tuyệt vời. Và tuyệt vời hơn nữa là khi việc bạn đam mê cũng là việc bạn làm giỏi và xã hội cần việc đó, trả lương xứng đáng cho bạn thì bạn sẽ có 1 sự nghiệp hạnh phúc và thịnh vượng. Hãy làm điều bạn thích và hãy yêu thích việc bạn làm. Rồi bạn sẽ thành công!
- Thu nhập sau khi ra trường có nên được coi là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chọn nghề hay không?
Thu nhập là 1 phần quan trọng, thậm chí quan trọng bậc nhất, nhưng ko phải là tất cả. Đặc biệt là giai đoạn mới ra trường và bắt đầu gia nhập thế giới nghề nghiệp. Trải nghiệm, sự học hỏi, phát triển bản thân và làm đẹp hồ sơ – điều đó quan trọng hơn thu nhập rất nhiều. Định hướng càng sớm thì đường đi càng đúng, bài học càng giá trị và bạn sẽ càng thành công.
- Làm thế nào để biết được mình thích gì, muốn làm gì?
Điều bạn thường làm nhất khi rảnh rỗi đó là việc bạn thích. Việc bạn thích nhất của nhất, bạn nghĩ về nó đầu tiên và thường xuyên nghĩ về nó, làm nó 1 cách vui vẻ, thoải mái thì đó là đam mê và muốn làm. Đôi khi việc bạn thích lại ko phải là công việc chính của bạn, vì bạn làm nó không giỏi hoặc không có thu nhập cao. Hãy nhớ thuyết con nhím. Hội tụ cả 3 thứ - sở thích, năng lực, nhu cầu thì mới là công việc tốt nhất. Nếu ko, có thể coi nó như sở thích (như tôi thích uống trà), 1 nghề tay trái, thì bạn vẫn vui và không quá áp lực về việc theo đuổi nó.
- Anh có suy nghĩ như thế nào về việc nhiều bạn trẻ chọn sai ngành, cảm thấy chán nản với việc học hiện tại và quyết định thi lại đại học?
Tôi đã từng trả lời câu hỏi này nhiều lần trong các sự kiện định hướng nghề nghiệp rồi. Nếu bạn mới ở năm 1,2 và thực sự thấy chán ngành học này, ngôi trường này thì có thể nghĩ đến việc đổi trường, đổi ngành. Nhưng nếu bạn học đến năm 3,4 rồi thì khuyên bạn nên cố học cho xong. Đồng thời tìm niềm vui từ các lớp học kỹ năng, nghiệp vụ về công việc khác mà bạn muốn làm. Vd: Sinh viên trường kinh doanh nhưng thích làm ca sỹ. Sinh viên trường du lịch nhưng thích làm tour-guide. Đừng vội bỏ trường đang học, cố học tiếp đi và tìm hiểu thêm hướng đi khác. Chỉ khi bạn đã thử mọi cách mà vẫn không được thì lúc đó mới từ bỏ và làm lại từ đầu. (bạn đang học thì người khác đã đi làm, bạn mới đi làm thì người đó đã có vợ chồng con, thăng tiến... Điều quan trọng là bạn phải tìm ra mình thực sự muốn theo đuổi nghề gì. Nếu ko, học 1,2 năm lại muốn bỏ học thi lại tiếp.)
2. Giai đoạn 2: Sau khi xác định được chuyên ngành muốn phát triển.
- Anh có thể chia sẻ cách để có thể duy trì động lực, thật kiên định, kiên trì với ngành mà mình đã chọn?
Khó để kiên định trong mọi tình huống. Người ai cũng có lúc thăng trầm, chán nản, vui tươi. Khi thất bại bạn muốn rúc vào 1 góc để tự kỷ nhưng mà sao: Nhiều lúc muốn 1 mình nhưng sợ cô đơn. Sợ cảm giác trống vắng mỗi ngày 1 lớn ... Những lúc chán thì vẫn cứ buồn, cứ đi xõa đi em. Hôm sau là 1 ngày mới. Hãy nhớ đến mục đích sống của mình, nó như ngọn hải đăng dẫn lối. Mọi trải nghiệm đều giúp ích cho mình, hãy nhẩm câu thần chú này: “đừng bỏ cuộc, rồi sẽ thành công”.
- Làm thế nào để tìm hiểu kĩ về một ngành giữa thời đại bùng nổ thông tin, “năm người mười ý”, nhất là khi trải nghiệm nghề nghiệp của mỗi người đi trước khác nhau?
Tuy gọi là 5 người 10 ý, nhưng cơ bản ý tưởng và nhận định sẽ giống nhau. Bạn tham khảo và phải có thêm cả tư duy phân tích, phản biện. Có góc nhìn của mình. Và bạn sẽ biết phải hỏi ai, tìm hiểu ở đâu, nguồn thông tin nào đáng tin cậy. Nhớ là trải nghiệm làm nên kinh nghiệm, mọi tham khảo chỉ là tham khảo. Bạn phải có tư duy và quyết định của riêng mình.
3. Vượt qua định hướng nghề nghiệp của gia đình và không chạy theo trào lưu.
- Anh có suy nghĩ như thế nào về quan điểm "Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề"?
Nhiều người cố làm 1 việc mà mãi không thành công vì không phù hợp với nghề đó. Lý do vì người đó chọn sai nghề ngay từ đầu. Ở đây có 2 chiều, nghề chọn người phù hợp và người tìm nghề phù hợp để mà làm. Đừng đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài “nghề chọn người”, tự mình phải hiểu mình thì sẽ tìm được nghề phù hợp.
- Khi đã chọn được ngành nghề, công việc mình yêu thích thì một trong những “ải” mà các bạn trẻ phải vượt qua là gia đình, họ hàng, vậy các diễn giả ngày hôm nay có suy nghĩ gì về điều này ạ?
Bạn phải chứng minh bằng lý luận, dẫn chứng và kết quả của mình. Cơ bản là bố mẹ nào cũng yêu con và tốt cho con. Nếu gặp cản trở bạn hãy xin phép 1 thời gian để chứng minh. Hãy làm việc tốt nhất có thể. Với sự say mê khi làm việc và thành quả đạt được, rồi thì gia đình cũng sẽ tôn trọng quyết định của bạn. Câu chuyện của tôi: chấp nhận sự phản đối. Kiên trì theo đuổi. Dùng thành quả để chứng minh. Người thân muốn tốt cho mình, chỉ chưa thực sự hiểu mình thôi.
- Trong trường hợp, bản thân không thể tự chi trả cho chi phí đại học mà phải dựa vào hỗ trợ từ gia đình. Do vậy, dẫn tới trường hợp các bạn trẻ buộc phải học ngành mà cha mẹ yêu cầu. Anh có giải pháp nào cho tình huống này không ạ?
Nếu không tìm được việc mình thích thì hãy học cách yêu thích việc mình làm. Đồng thời đi làm thêm, săn học bổng để có thu nhập. Ngày trước tôi được hỗ trợ ½ học phí vì là gia đình chính sách. Phần còn lại tôi tự chi trả được nhờ tiền làm thêm và có học bổng. Bạn muốn đi theo con đường mình chọn thì phải bắt đầu từ việc tự lo cho chính mình. Nếu bạn chứng minh được điều đó thì bạn mới thuyết phục được người khác, đặc biệt là bố mẹ cho việc tự chọn con đường nghề nghiệp của chính mình.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment